Lượt xem: 10416

Về nêu gương của cán bộ, đảng viên hiện nay theo tư tưởng Hồ Chí Minh

Nêu gương là giá trị đạo đức nhân văn sâu sắc của nhân loại, là truyền thống, đạo lý của dân tộc Việt Nam. Nêu gương tốt có vai trò dẫn dắt mọi người làm theo. Song, thực tế hiện nay, có không ít cán bộ, đảng viên chẳng những không nêu gương tốt mà còn vi phạm quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước, để lại những hậu quả xấu cho tổ chức đảng, những người xung quanh và xã hội.

    Trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có nhiều bài viết và nói về xây dựng Đảng, về công tác cán bộ, đảng viên, trong đó nhiều lần Người nhấn mạnh trách nhiệm, bổn phận, tư cách của người cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo rằng “Nói đi đôi với làm”, “Cố gắng làm kiểu mẫu cho quần chúng trong mọi việc”; “gương mẫu, gian khổ đi trước, hưởng thụ đi sau”. Đó chính là vai trò tiên phong của cán bộ, đảng viên trong sự nghiệp cách mạng, phụng sự Tổ quốc, phục vụ Đảng, phục vụ Nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn căn dặn cán bộ, đảng viên phải luôn gương mẫu giữa lời nói đi đôi với việc làm, giữa tư tưởng và hành động, giữa lý luận và thực tiễn. Theo Người, nêu gương là thể hiện phương thức và phong cách lãnh đạo của Đảng ta, của mỗi cán bộ, đảng viên. Cán bộ, đảng viên có chức vụ càng cao càng phải coi trọng nêu gương, nêu gương một cách thiết thực, chân thành, nêu gương trong mọi hoàn cảnh, từ việc nhỏ đến việc lớn; từ việc học tập, rèn luyện, tu dưỡng cho đến việc làm cụ thể trong thực tiễn, trong quan hệ với công việc, với mọi người tại công sở đến các quan hệ trong gia đình, người thân, Nhân dân và trong xã hội, tóm lại là nêu gương trong ba mối quan hệ cơ bản: với mình, với người và với việc. Đó là sự tận tâm, tận lực thực hiện những nhiệm vụ, vai trò mà mình đóng vai. Nếu mọi cán bộ, đảng viên đều nêu gương tốt, chắc chắn công việc được vận hành có hiệu quả. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”; “Muốn cho quần chúng nghe lời mình, làm theo mình thì người đảng viên từ việc làm, lời nói cho đến cách ăn ở phải thế nào cho dân tin, dân phục, dân yêu”. Với ý nghĩa đó, cán bộ, đảng viên nêu gương tốt sẽ tạo động lực trong công việc, góp phần đẩy lùi những biểu hiện trì trệ, lười biếng, ỷ lại và những tiêu cực khác, qua đó làm trong sạch tổ chức đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của từng cấp ủy, tổ chức đảng và của toàn Đảng.


Dù bận trăm công nghìn việc nhưng Bác Hồ thường xuyên bố trí thời gian đi cơ sở để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân (Ảnh minh họa - Nguồn tư liệu TTXVN)

 

    Nêu gương còn là trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu. Là người đứng đầu mà không nêu gương là không có trách nhiệm với cấp dưới, với nhân viên của mình và với Nhân dân, với Tổ quốc và với chính bản thân mình; là không xứng đáng với vị trí lãnh đạo, đứng đầu. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, tinh thần trách nhiệm là đưa tinh thần và lực lượng, tận tâm, tận lực làm cho đến nơi đến chốn, làm cho thành công, bất kỳ việc to hay nhỏ, khó hay dễ. Tinh thần trách nhiệm đó còn phải nắm vững chính sách, đi đúng đường lối quần chúng, hoàn thành nhiệm vụ. Làm cẩu thả, làm cho có chuyện, dễ làm khó bỏ, đánh trống bỏ dùi, gặp sao làm vậy… là không có tinh thần trách nhiệm, là không có ý thức nêu gương. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “nói miệng, ai cũng nói được. Ta cần phải thực hành”. Mình phải “tu thân chính tâm” (nghĩa là việc gì cũng phải làm kiểu mẫu), có thế mới có thể “trị quốc bình thiên hạ” được. Mình muốn hướng dẫn Nhân dân thì mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước. Tự mình phải chính trước, mới giúp người khác chính. Người thường nói: “không cần nói nhiều, mà làm cho thật nhiều”. Điều này đối với cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu rất quan trọng, vì “thượng bất chính, hạ tắc loạn”. Cán bộ, đảng viên phải trở thành tấm gương sống về đức và tài, toàn tâm, toàn ý, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phụng sự cách mạng, phục vụ Nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh thường nhắc nhở cán bộ, đảng viên: “Trước mặt quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán chữ “cộng sản” mà ta được họ yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức”.

    Nêu gương còn là nhân cách của người cách mạng, thuộc phận sự của mỗi cán bộ, đảng viên của một đảng chân chính cách mạng. Hồ Chí Minh chỉ ra rằng: “Nhân dân thường nói đảng viên đi trước, làng nước theo sau. Đó là một lời khen chân thành đối với đảng viên và cán bộ chúng ta”. Để nêu gương, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu cán bộ, đảng viên phải nghiêm túc, trung thực, thật thà tự phê bình; có khuyết điểm thì gương mẫu nhận trách nhiệm về mình, không đổ lỗi, tranh công. Đó là bản chất của người cộng sản, người đảng viên. Cán bộ, đảng viên là đầy tớ của dân nên càng tự phê bình trước dân chừng nào, dân càng bằng lòng phục vụ mình chừng ấy. Thông qua nêu gương trong tự phê bình nghiêm túc, trung thực thì dân tin, dân theo, uy tín của cán bộ, đảng viên càng cao. Mà dân tin, dân theo thì chế độ ta còn, Đảng ta còn. Với ý nghĩa đó, nêu gương hiện nay của cán bộ, đảng viên là dũng cảm đấu tranh với những biểu hiện “suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức và lối sống”, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong chính bản thân mình và trong một bộ phận cán bộ, đảng viên; là phải kiên quyết khắc phục mọi biểu hiện quan liêu, mệnh lệnh, xa rời thực tế, thiếu ý thức tổ chức kỷ luật, tha hóa về quyền lực, địa vị, xa rời quần chúng.

    Thời gian qua, Đảng ta đã có nhiều chỉ thị, nghị quyết quy định về nêu gương của cán bộ, đảng viên; về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, việc thực hiện còn nhiều hạn chế. Một bộ phận cán bộ, đảng viên, trong đó có cả người đứng đầu, kể cả một số cán bộ cao cấp, chưa thể hiện tính tiền phong gương mẫu, chưa tích cực học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, trái lại, họ là tấm gương xấu cho những kẻ xu nịnh, vụ lợi, làm mất uy tín Đảng. Một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức coi vị trí, nơi làm việc của mình như một nơi lưu trú an toàn cho cuộc đời của họ. Số này họ lười biếng, vô cảm, thiếu suy nghĩ, thiếu động não khi thi hành công vụ. Đây cũng là chỗ dựa cho những cán bộ, công chức thoái hóa, biến chất khi thực hiện những tham vọng, ý đồ cá nhân của họ. Một bộ phận không nhỏ nữa là những cán bộ, đảng viên đang sống “trung bình chủ nghĩa”, rất dễ phân tâm, vô cảm, ngoài cuộc. Họ thường phê phán, kêu ca, nhưng không dám đấu tranh, nói không đi đôi với làm, không nêu được gương sáng gì trong quần chúng. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã thẳng thắn chỉ ra rằng: “Nhiều cán bộ, đảng viên, trong đó có cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp chưa xác định rõ trách nhiệm và chưa thật sự gương mẫu trong rèn luyện, giữ gìn phẩm chất, đạo đức, lối sống, tác phong với những biểu hiện như nói không đi đôi với làm, nói nhiều làm ít, có cán bộ còn trục lợi, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực… ; đặc biệt có cán bộ lãnh đạo cấp cao, cả đương chức và nghỉ hưu, đã vi phạm nghiêm trọng kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước, kể cả kỷ luật hình sự, gây dư luận xấu trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân”. Tình trạng này làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, vai trò lãnh đạo của Đảng, làm xấu đi hình ảnh cán bộ, đảng viên, làm mất niềm tin của Nhân dân vào Đảng.

    Nguyên nhân sâu xa, nguyên nhân chính của tình hình trên là do bản thân những cán bộ, đảng viên đó thiếu tu dưỡng, rèn luyện; sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, hẹp hòi, bị cám dỗ bởi các lợi ích vật chất... Nguyên tắc tập trung dân chủ ở nhiều nơi bị buông lỏng; nguyên tắc tự phê bình và phê bình thực hiện không nghiêm, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không dám đấu tranh. Công tác quản lý, rèn luyện đảng viên còn thiếu chặt chẽ. Việc đánh giá, xếp loại tổ chức đảng và đảng viên ở một số nơi còn chưa thực chất. Công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng thực hiện còn kém hiệu quả. Vấn đề kiểm soát quyền lực thực hiện không nghiêm...


Cán bộ, đảng viên, đoàn viên thường xuyên đến nghiên cứu tư liệu về Bác Hồ, từ đó vận dụng làm theo trong công việc hàng ngày. Nguồn soctrang.org.vn

 

    Để hạn chế và khắc phục tình hình trên trong thời gian tới, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó đặc biệt quan tâm các vấn đề:

    Trước hết, các cấp ủy đảng tiếp tục xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể theo từng thời gian và đặc điểm của địa phương, cơ quan, đơn vị mình để thực hiện nghiêm túc các chủ trương, nghị quyết của Đảng về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đặt biệt là: Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI và khóa XII; Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII; các quy định về trách nêu gương, nhất là Quy định 08-QĐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII; Quy định 205-QĐ/TW của Bộ Chính trị “Về việc kiểm soát quyền lực…”.

    Thứ hai, phải coi trọng và nâng cao trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu, cán bộ chủ chốt trong việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Trong đó tập trung vào 3 vấn đề cơ bản là: (1) Về tư tưởng chính trị, mỗi cán bộ, đảng viên phải chủ động, tự giác đi đầu học tập, nghiên cứu và bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; kiên quyết đấu tranh chống mọi biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. (2) Về đạo đức, lối sống, phải gương mẫu thực hiện nghiêm các quy định của Đảng về những điều đảng viên không được làm; có lối sống trong sạch, giản dị, gần gũi quần chúng, thực sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư; gương mẫu chấp hành nghiêm các Nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. (3) Về tác phong sinh hoạt và công tác, phải tự giác nêu gương về đức tính khiêm tốn, giản dị, sâu sát thực tế, lắng nghe, thấu hiểu tâm tư và giải quyết kịp thời, có hiệu quả những mong muốn, nguyện vọng, lợi ích chính đáng của Nhân dân.

    Thứ ba, hàng năm, mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt phải xây dựng kế hoạch tu dưỡng, rèn luyện theo cương vị công tác của mình và báo cáo với chi bộ, cấp ủy nơi công tác để được góp ý, giúp đỡ, giám sát, tạo điều kiện thực hiện. Đây là nguyên tắc trước hết của sự nêu gương và là một trong những căn cứ để đánh giá cán bộ, đảng viên cuối năm. Đồng thời, mỗi cán bộ lãnh đạo phải thường xuyên tự đánh giá nghiêm khắc về bản thân mình để không ngừng học hỏi, tu dưỡng và rèn luyện để việc nêu gương có sức hút, sức lan tỏa thuyết phục đến người dưới quyền và Nhân dân. Nếu thấy mình hạn chế về năng lực hoặc sức khoẻ; hoặc nhận thấy không còn đủ uy tín để hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao; hoặc nhận thấy sai phạm, khuyết điểm của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình hoặc của cấp dưới có liên quan đến trách nhiệm của mình … thì tự nguyện xin từ chức, nhường vị trí cho người khác tốt hơn mình. Đây cũng là việc làm có đạo đức, một hành động nêu gương, có lợi cho cơ quan, đơn vị, vì lợi ích chung của tập thể, của Đảng. Làm được như vậy cũng chính là người biết trọng lương tâm, liêm sỉ và danh dự.

    Thứ tư, một trong những việc cần làm ngay là: từng cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp tự giác, gương mẫu tự phê bình, kiểm điểm, nhìn lại mình, tự điều chỉnh mình, tự gột rửa, tự sửa mình; cảnh giác trước mọi cám dỗ về danh lợi, vật chất, tiền tài, tránh rơi vào vũng bùn của chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, lợi ích nhóm... Nghiêm túc thực hiện Quy định những điều đảng viên không được làm”. Thực hiện tốt phương châm nêu gương “Trên trước, dưới sau”, “Trong trước, ngoài sau”, “Nói đi đôi với làm”; cấp ủy viên nêu gương cho đảng viên, đảng viên nêu gương cho quần chúng; cán bộ cấp trên nêu gương cho cán bộ cấp dưới; thủ trưởng, lãnh đạo cơ quan, đơn vị nêu gương cho cán bộ, công chức, viên chức.

    Thứ năm, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực cũng như các quan hệ xã hội, quan hệ gia đình của cán bộ, đảng viên; phải lấy phòng ngừa làm trọng, lấy xây là chính; kịp thời nhắc nhở, chấn chỉnh, ngăn chặn và xử lý nghiêm những hành vi vi phạm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thiếu gương mẫu thực hiện trách nhiệm công vụ cũng như các quan hệ trong cuộc sống đời thường; nói không đi đôi với làm… với mục đích “trị bệnh cứu người”.

    Thứ sáu, các cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị làm tốt công tác tuyên truyền, kịp thời biểu dương gương người tốt, việc tốt; đồng thời, tạo điều kiện và phát huy vai trò của các tổ chức, đoàn thể và quần chúng Nhân dân trong việc giám sát thực hiện các quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên./.

Kiên Trung



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 54
  • Hôm nay: 6085
  • Trong tuần: 76,792
  • Tất cả: 11,800,112